Những câu chuyện tình lãng mạn của người Việt Nam với người nước ngoài đã khiến rất nhiều người mến mộ và mong muốn. Tuy nhiên, để đi đến được hôn nhân viên mãn, nhiều người Việt kết hôn với người nước ngoài phải trải qua rất nhiều thủ tục hành chính rắc rối. Chạy đôn chạy đáo làm thủ tục kết hôn với người nước ngoài Một bạn nữ có chồng là người ngoại quốc tâm sự: “Nói thật, nếu không yêu mình thì chắc anh ấy đã “chạy mất dép” rồi chứ không kiên nhẫn để chịu bỏ công, bỏ việc suốt 3 tháng để hoàn thành tất cả những thủ tục rườm rà ấy!”. Chị Trần Thị Thu Yên có hộ khẩu ở Phú Yên, chồng quốc tịch Mỹ và cả hai cùng sống ở Nha Trang. Nên việc đăng ký kết hôn ở Việt Nam được làm ở Sở Tư pháp Phú Yên (thời điểm đầu năm 2015. Hiện nay chỉ cần đăng ký ở UBND quận, huyện nơi vợ/chồng Việt Nam có hộ khẩu thường trú). Đã hơn một năm được cầm giấy chứng nhận kết hôn trên tay mà giờ “nhớ lại mình còn thấy toát mồ hôi về 3 tháng chạy đủ Bắc Trung Nam để có được tờ giấy chứng minh vợ chồng” – chị Yên nói. Trước tiên, chồng chị đã làm giấy tuyên thệ độc thân ở Mỹ. Nhưng giấy này phải được Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam chứng nhận. Thế là hai vợ chồng từ Nha Trang ra Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội chứng giấy tuyên thệ độc thân cho chồng. Giấy chứng nhận tuyên thệ độc thân này sau đó còn phải được Đại sứ (hoặc Tổng lãnh sự), dịch ra tiếng Việt và đi công chứng. “Nhưng xui là hôm đó nhân viên Đại sứ quán Mỹ không sao mà không ghi ngày ký, đóng dấu chứng nhận. Vì giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong 6 tháng nên khi về nộp về Sở Tư pháp Phú Yên thì không được nhận vì không biết thời hạn khi nào. Thế là lại phải bay ra Hà Nội làm lại từ đầu đối với tờ giấy chứng nhận độc thân của Daniel”, chị Yên nói. 7 năm không thể làm xong thủ tục làm giấy kết hôn với người nước ngoài Chị Hoàng Thị Minh Quyên làm việc ở TP.HCM, nhưng hộ khẩu ở Đắk Lắk. Người yêu của chị người Nepal, lại làm việc ở Dubai. Việc làm đăng ký kết hôn của chị khó khăn hơn những người khác vì Nepal và Việt Nam không có Đại sứ quán, cơ quan đại diện tại nước của nhau. Điều này buộc cả hai khi làm các giấy tờ để đăng ký kết hôn phải sang Hàn Quốc (Đại sứ quán Nepal tại Hàn Quốc kiêm nhiệm Việt Nam) để hợp pháp hóa các chứng nhận của bạn trai chị. Đặc biệt là giấy chứng nhận độc thân. Theo luật, trong quá trình làm, hoàn tất hồ sơ, cả hai người đăng ký kết hôn luôn phải cùng nhau có mặt. Cả hai anh chị làm việc ở hai đất nước xa nhau. Cả hai cũng không làm việc tại quê nhà. Thế nên, đăng ký kết hôn ở Việt Nam thì cả hai phải bỏ công việc thời gian dài và về Đắk Lắk nhiều lần để hoàn tất thủ tục. Trong khi đó, ở Nepal chỉ yêu cầu giấy xác nhận độc thân để có thể đăng ký kết hôn. Thế nên, anh chị buộc phải chọn cách đăng ký kết hôn ở nước ngoài. Tuy nhiên, cũng không hề suôn sẻ. “Tôi lại gặp khó khăn khi xin giấy xác nhận độc thân cho tôi ở Việt Nam nên việc đăng ký kết hôn đến nay vẫn.... chờ”, chị Quyên nói. Chị kể lại chặng đường gian nan: Tháng 4.2014, người yêu tôi được công ty ở Dubai cho nghỉ phép 1 tháng (từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7) để về Nepal đăng ký kết hôn với tôi. Thế là theo kế hoạch, từ tháng 4.2014, tôi bắt đầu liên hệ địa phương hỏi về thủ tục để xin giấy xác nhận độc thân. Địa phương buộc tôi phải đích thân nộp hồ sơ ở xã để xin giấy xác nhận, không cho ủy quyền. Sau khi hồ sơ được nộp ở xã, chị phải chờ đến khi Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk nhận được và gọi về phỏng vấn. Sau gần 1 tháng được phỏng vấn, chị tiếp tục chờ hồ sơ được chuyển qua Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra. Đến giữa tháng 7.2014, hồ sơ của chị mới được trả về địa phương. Chị được chính quyền xã lại yêu cầu đích thân về ký nhận giấy xác nhận độc thân. “Đó cũng là lúc người yêu tôi hết hạn nghỉ phép phải quay lại Dubai làm việc”, chị Quyên kể khổ. “Giấy xác nhận độc thân chỉ có hạn 6 tháng nên tôi không thể tranh thủ làm sớm, cũng không dám làm muộn vì hơn 3 tháng mới làm được. Do đó, việc tính toán thời gian xin công ty cho nghỉ phép sao cho khớp với thời gian xin được giấy xác nhận độc thân ở Việt Nam thật không dễ dàng”, chị Quyên tâm sự. Thế là, kể từ khi yêu nhau đến nay đã hơn 7 năm, anh chị vẫn chưa thể hợp thức hóa việc trở thành vợ chồng. Theo Tư Pháp Việt