Theo khoản 4, điều 2, Luật lý lịch tư pháp năm 2009, Phiếu lý lịch tư pháp có giá trị chứng minh rằng cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản. Phiếu lý lịch tư pháp có thời hạn bao lâu? Có thời hạn sử dụng phiếu lý lịch tư pháp hay không? Hiện nay, Luật lý lịch tư pháp và các văn bản chi tiết hướng dẫn thi hành Luật lý lịch tư pháp không quy định thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp. Trên thực tế, tùy theo từng lĩnh vực đặc thù của từng sự việc khác nhau mà luật chuyên ngành quy định thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp khác nhau. Theo Điều 5 của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 quy định chi tiết về một số điều luật của Luật Nuôi con nuôi có quy định về thời hạn có hiệu lực của giấy tờ, trong đó quy định “Phiếu lý lịch tư pháp … của người nhận con nuôi trong nước … còn hiệu lực sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, được tính kể từ ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã. Phiếu lý lịch tư pháp … của người nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài … còn giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 12 tháng, được tính kể từ ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi. Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài… có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, được tính kể từ ngày nộp hồ sơ tại Cục Con nuôi”. Ngoài ra, theo quy định tại điểm d khoản 1 các điều 20, 24 và 28 của Luật Quốc tịch năm 2008 cũng quy định trong thành phần hồ sơ xin nhập, thôi và trở lại quốc tịch Việt Nam bắt buộc phải có Phiếu lý lịch tư pháp và phải là Phiếu được cấp không quá 90 ngày được tính kể từ ngày họ đến nộp hồ sơ. Như vậy, hiện tại Luật lý lịch tư pháp chưa có quy định nào cụ thể về thời hạn sử dụng của phiếu lý lịch tư pháp. Dịch vụ cấp phiếu lý lịch tư pháp ở Hà Nội Thời hạn lưu trữ hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp Theo quy định tại Điều 17 của Luật Lưu trữ năm 2011, tại khoản 2 Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 09/2011/TT-BNV ban hành ngày 03/6/2011 của Bộ Nội vụ quy định về thời hạn bảo quản tài liệu, bảng thời hạn bảo quản tài liệu phổ biến thì hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp có thể được duyệt vào nhóm 13 thuộc nhóm tài liệu các lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ. Theo đó, đối với các hồ sơ giải quyết vụ việc trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, thời hạn bảo quản là vĩnh viễn đối với vụ việc quan trọng và là 20 năm đối với vụ việc khác. Để phù hợp với Luật lưu trữ, ngày 22 tháng 7 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1904/QĐ-BTP ban hành Bảng thời hạn bảo quản hồ sơ, tài liệu lưu trữ của Bộ Tư pháp. Theo đó, trích quy định tại mục 9.8: “Hồ sơ, tài liệu về cấp Phiếu lý lịch tư pháp, cung cấp thông tin lý lịch tư pháp của người nước ngoài bị Tòa án Việt Nam kết án theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thời hạn bảo quản là 20 năm”. Như vậy, đối với hồ sơ cấp Phiếu lý lịch tư pháp theo Quyết định số 1904/QĐ-BTP của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, sẽ được bảo quản hồ sơ trong vòng 20 năm.