Hầu hết những người lựa chọn mua máy tính và các linh kiện cũ nhắm tới ưu điểm về giá thành khi chọn mua loại mặt hàng này. Giống như các sản phẩm điện thoại được quảng cáo là "hàng dùng lướt" hay "máy mới 99%", linh kiện máy tính cũng cũng có giá rẻ hơn nhiều lần nếu so với đồ mới. Có 2 lý do để người ta mua đồ cũ nói chung, và đồ công nghệ cũ nói riêng, thứ nhất là rẻ hơn, và thứ 2 là khi sản phẩm đó đã bị dừng sản xuất, không thể mua mới trên thị trường. Điện thoại hay máy tính bảng cũ được các "thương gia" chào bán hầu hết là các sản phẩm dùng lướt được nhập khẩu từ nước ngoài, linh kiện máy tính cũ hầu hết là "cũ thật", tức các sản phẩm đã qua sử dụng ở Việt Nam. 1 . Cũ nhưng là "cũ thật" Thị trường máy tính có phần hạ nhiệt trong những năm gần đây, tuy nhiên thị trường máy tính cũ vẫn tấp nập như vậy. Dạo qua một số "chợ đồ cũ" online trên các diễn đàn như 5giây hay Vozforums, dễ dàng cảm nhận được không khí mua bán náo nhiệt tại các forums này. Mỗi ngày có tới hàng trăm tới hàng ngàn bài đăng rao bán mới của cả người dùng lẫn "thợ" - tên thường gọi của các tài khoản của cửa hàng hay dân buôn bán phần cứng. Khối lượng linh kiện máy tính cũ được rao bán mỗi ngày chẳng thể tính nổi, vậy ở đâu ra mà nhiều đồ cũ như vậy? Như đã nói ở trên, hầu hết linh kiện cũ đều là đồ được thải ra trong nước, chứ không phải các sản phẩm được "làm mới" ở nước ngoài và nhập vào Việt Nam thông qua đường tiểu ngạch. Đồng nghĩa với việc, hầu hết linh kiện máy tính cũ thực chất vẫn là hàng chính hãng, được phân phối tại Việt Nam. Các sản phẩm này từng được bán mới, thông qua các đại lý hoặc trực tiếp từ nhà phân phối phân cứng, và điểm đến tiếp theo là nhiều cơ quan, văn phòng cho tới các cửa hàng Internet. Sau một thời gian dài sử dụng, biến thành đồ cũ, trong quá trình thanh lý hay nâng cấp phần cứng, những dàn máy tính nói trên được thu mua lại bởi các anh "thợ", và từ đây, chúng được xé lẻ hoặc bán theo bộ trên các diễn đàn mua bán. Những dàn máy tính tại quán game sẽ được một số người, mua đồ cũ và bán lẻ lại phần cứng. Như vậy thấy rõ được một mặt nào đó, các sản phẩm này đều có nguồn gốc xuất xứ tốt, và thậm chí là vẫn còn bảo hành dài sau khi được thợ mua lại và bán lẻ. Ngay cả khi đã qua thời hạn bảo hành, phía cửa hàng bán đồ cũ luôn có các chương trình bảo hành riêng hoặc "bao test" cho người mua. Như vậy không có nghĩa việc mua các sản phẩm cũ là an toàn tuyệt đối. Bên cạnh các sản phẩm xuất xứ tốt và nguyên bản, vẫn có không ít "thợ" sử dụng chiêu trò, sửa chữa và "mông má" lại các linh kiện một cách thủ công, có thể làm ảnh hưởng tới độ ổn định của linh kiện về lâu về dài. Một lời khuyên cho những người có ý định mua đồ cũ, luôn ưu tiên mua sản phẩm còn bảo hành dài, đồng thời không quên yêu cầu người bán bao test để kiểm tra khả năng hoạt động ổn định của thiết bị sau khi sử dụng linh kiện cũ. 2 .Giá rẻ hơn nhiều Tùy vào loại linh kiện mà các linh kiện cũ có thể rẻ hơn từ 10 cho tới 70% giá thành so với hàng mới. Trong số đó, các thiết bị như CPU thường giữ giá khá tốt, thường CPU cũ chỉ rẻ hơn khoảng 10-20% so với mua mới. Card màn hình lại khác, VGA cũ mất giá khá nhanh, có thể rẻ chỉ bằng một nửa so với giá mua mới và thường ẩn chứa nhiều nguy cơ hỏng hóc hơn so với CPU. Nhưng nhìn chung, nếu chọn mua 1 bộ máy tính cũ, còn bảo hành dài, bạn vẫn có thể tiết kiệm tới 50% giá thành so với mua mới hoàn toàn. Nên nếu chấp nhận mua đồ qua sử dụng, cùng một số tiền bỏ ra, bạn có thể sở hữu cấu hình mạnh hơn nhiều nếu lựa chọn mua mới. Rõ ràng đây là điều mà người dùng có túi tiền eo hẹp nên cân nhắc. Ngoài ra, với một số người thường xuyên nâng cấp phần cứng, mua đồ cũ cũng giúp giảm thiểu sự trượt giá trong lần tiếp theo họ nâng cấp máy. 3 . Mua đồ cũ là một thú vui Nhiều người không hề thoải mái với việc mua lại và sử dụng đồ cũ, nhưng trái lại nhiều người coi đó là thú vui. Trò chuyện với anh Nguyễn Huy Hoàng (Quảng Ninh), anh cho biết: "Cách đây vài tháng mình có mua 1 bộ PC mới, tất cả đều là hàng mới hết, giá cũng ngót ngét hơn chục triệu đồng, và sau đó thì mình không ưng cho lắm. Giá mới khá cao khiến mình chỉ có thể mua một số linh kiện thứ cấp, như mainboard H81 mình đang dùng chẳng hạn, có ít cổng PCI và thậm chí không hỗ trợ USB 3.0". "Sau này, khi mua màn hình mới và bàn phím cơ, mình không ngần ngại chọn mua đồ cũ, tất nhiên là phải mua hàng còn bảo hành mới yên tâm được, đồ công nghệ mà, chả ai nói trước được điều gì", anh Hoàng chia sẻ. Với không ít những người khác, việc hàng ngày dạo qua các diễn đàn mua bán đồ cũ để tìm mua món gì "hay hay" đã trở thành một thú vui. Những diễn đàn mua bán phần cứng máy tính cũ chưa bao giờ hết sôi động. Chưa hết, mua đồ cũ đôi khi bạn còn có khả năng gặp được các món đồ cổ đáng giá mà chẳng tài nào tìm nổi trong các chuỗi cửa hàng máy tính. Anh Vũ (Đội Cấn, Hà Nội) có sở thích tìm kiếm các sản phẩm công nghệ cũ, đặc biệt là những món đồ cổ từng được coi là "khủng long một thời". "Mới đây tôi tìm mua được chiếc VGA 'cực khủng' với giá hời", vừa nói anh Vũ vừa lôi trong tủ ra một chiếc card GTX 295 của NVIDIA, anh khoe: "Ngày trước 'em nó' giá cũng cỡ bọn GTX 980 bây giờ, mà mình mua giá chỉ bằng 1/10, bị cái là nóng và tốn điện quá, nên cho vào tủ lâu lâu lôi ra ngắm". Dù thế, mua đồ cũ dù là điện thoại hay linh kiện máy tính, đó vẫn là một cuộc chơi với nhiều rủi ro. Nó không dành cho những ai kém hiểu biết hoặc "gà mờ", đã có không ít các trường hợp "tiền mất tật mang" khi linh kiện cũ giá rẻ thậm chí làm hỏng nhiều đồ khác trong hệ thống máy tính. Nhưng đây vẫn là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn có ý định mua sắm dịp cuối năm với túi tiền eo hẹp. ĐT : 04.3951.8242 - 0985.818.227 Liên hệ : Nguyễn Văn Thưởng Trung tâm chợ : Chợ đầu mối bắc thăng long - hải bối - đông anh - hà nội ( ngay chân cầu thăng long ) Sưu tầm