Top 3 trò lừa đảo thường gặp nhất trong thị trường bất động sản. . Thị trường bất động sản luôn là một mảnh đất “màu mỡ” cho rất nhiều nhà đầu tư. Đối với hầu hết các nhà đầu tư thì đây được coi là kênh đầu tư kiếm tiền khá hiệu quả. Tuy nhiên, kênh đầu tư này vẫn luôn tồn tại và xuất hiện ngày càng nhiều các chiêu trò lừa đảo tinh vi của những kẻ xấu. Bọn chúng lợi dụng đà phát triển của kênh đầu tư tài chính bất động sản để tạo ra những cái bẫy chiêu dụ người dân và chiếm đoạt tài sản của họ. Hãy xem những trường hợp lừa đảo đầu tư trên thị trường bất động sản để bạn cẩn trọng hơn và rút ra kinh nghiệm về cách phòng chống lừa đảo cho bản thân nhé! Giả mạo công ty bất động sản Vào cuối năm 2018, hai công ty bất động sản là Him Lam và Phú Mỹ Hưng lần lượt bị nhiều công ty mạo danh để bán dụ án. Cụ thể, vào tháng 11/2018, công ty địa ốc Him Lam đã nhận được nhiều cuộc gọi của khách hàng tìm hiểu về các dự án đất nền tại khu Nam Sài Gòn và Bình Chánh. Nhưng thực tế, Him Lam Land lại không mở triển khai và mở bán bất cứ dự án nào tại hai khu vực trên. Dự án mang tên “Him Lam Bình Chánh” hay “Him Lam Nam Sài Gòn” đều là giả mạo. Những kẻ lừa đảo đã phát các tờ rơi môi giới ra địa bàn TP HCM có gắn thương hiệu của Him Lam Land. Thậm chí, chúng còn tạo tin đồn là có lễ khai trương mở bán dự án này được tổ chức tại trung tâm hội nghị ở quận 6. Vào tháng 12/2018, trên Facebook chính thức của công ty Phú Mỹ Hưng cũng thông báo cảnh giác tình trạng mạo danh thương hiệu để tham dự chương trình trúng thưởng hoành tráng. Dùng hợp đồng giả, con dấu giả Ông trùm lừa đảo là Đặng Huy Biền (83 tuổi, trú tại P. 7, Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh). Từ tháng 4/2017 trở đi, ông Biền thường xuyên xuất hiện tại khu ven biển P. Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn) trong vai chủ dự án khu phức hợp đô thị Thương mại và dịch vụ Royal Era1. Đi đâu, gặp “đối tác” nào ông đều đưa bộ tài liệu làm giả tinh vi liên quan đến dự án này cho mọi người “rửa mắt”. Ngoài ra, ông còn làm giả sổ đỏ để giao cho các nhà đầu tư vào dự án. Bằng hình thức sử dụng những hồ sơ, tài liệu giả đi “lòe” người mua đất, ông Biền đã lừa được khá nhiều nhà đầu tư với hàng trăm tỷ đồng. Bán 1 mảnh đất cho nhiều người Ví dụ gần đây nhất là vụ án tổng giám đốc dùng nhà ở “khu đất vàng” để lừa đảo hơn 200 tỷ đồng vào tháng 4/2019. Vụ việc này liên quan đến ông Trương Vui (58 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc công ty Upexim). Ông Vui đã bàn với các thành viên HĐQT để công ty cổ phần đầu tư xây dựng thương mại – Tradeco tham gia góp vốn hợp tác kinh doanh xây dự án Upex Tower. Công ty này sau đó đã chuyển cho Upexim 60 tỷ – tương đương một nửa giá trị quyền sử dụng đất. Đồng thời cùng thời gian này ông Vui lại bán diện tích nhà đất này cho ông Phùng Xuân Minh, Giám đốc Công ty Kim Cương Xanh ở quận 1, TP Hồ Chí Minh với giá 120 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Vui còn thông qua 2 công ty do mình lập ra để vay AgriBank Chi nhánh Sài Gòn 110 tỉ đồng, thế chấp bằng căn nhà trên đường Hồ Tùng Mậu. Cũng trong thời gian này, công ty Upexim đang có khoản vay 24 tỷ đồng tại một ngân hàng khác. Vui đã thỏa thuận bán thêm cho Tradeco 20% giá trị căn nhà với giá 24 tỷ đồng để lấy tiền trả nợ và tiếp tục “ém” chuyện đã thế chấp căn nhà cho Agribank.