90% bệnh nhân mắc ung thư phổi là do thói quen hút thuốc lá trong thời gian dài. Tuy nhiên, trong một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, những người ăn nhiều carbohydrate (bột đường) sẽ có nhiều nguy cơ ung thư phổi dù chưa từng hút thuốc lá. Chỉ số đường huyết (GI) và tải lượng đường huyết (GL) là hai yếu tố quan trọng để đánh giá về chất cũng như số lượng về carbohydrate trong bữa ăn. Rất may là không phải chất bột đường nào cũng vậy. Chỉ những loại bột đường có chỉ số GI cao - tức có khả năng làm tăng đường huyết nhanh - mới là những kẻ “tiếp tay cho giặc”. Nói về vấn đề này, TS Rishi Jain - chuyên gia ung thư tại Trung tâm Ung thư Fox Chase ở Philadelphia, Mỹ cũng khẳng định,: chất bột đường có trong các loại mỳ pasta, yến mạch và khoai lang lại lành tính hơn với chỉ số GI thấp. Điều này có nghĩa nếu bạn ăn nhiều gạo xát trắng, bánh mỳ trắng, ngũ cốc xát vỏ hay khoai tây vỏ vàng…, nguy cơ ung thư phổi của bạn sẽ cao hơn nhiều những người có chế độ ăn khác, cho dù bạn có hút thuốc hay không. Vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu đã thăm dò khoảng 2.000 người dân khu vực Houston, Mỹ được chẩn đoán mắc ung thư phổi về chế độ ăn uống hàng ngày. Sau đó, những thông tin này được đối chiếu với chế độ ăn của khoảng 2.400 người có sức khỏe hoàn toàn ổn định khác. 2.000 người này cũng được hỏi về những thói quen cá nhân có khả năng dẫn đến ung thư phổi như hút thuốc lá và uống rượu bia. Kết quả thu được sẽ khiến nhiều người muốn thay đổi chế độ ăn uống ngay lập tức: Những người thường xuyên ăn nhiều chất bột đường có chỉ số GI cao sẽ có nguy cơ bị chẩn đoán mắc ung thư phổi tăng cao hơn tới 49% so với người chỉ tiêu thụ ít loại thức ăn này. Điều đáng nói là, mối liên hệ giữa thực phẩm có chỉ số GI cao với ung thư phổi ngày càng được củng cố khi phần lớn những người tham gia khảo sát đều chưa từng hút thuốc lá, hoặc mới chỉ hút chưa tới 100 điếu thuốc trong đời. Đáng ngại hơn nữa, việc thường xuyên tiêu thụ những loại thực phẩm này sẽ có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư phổi tới 31% ở người hút thuốc, thậm chí tới 2,25 lần ở người không hút thuốc - một con số đáng báo động. Tiến sĩ dịch tễ học Xifeng Wu tại Trung tâm Ung thư M. D. Anderson thuộc Đại học Texas cũng nhận định, nguy cơ ung thư phổi cao ở người không hút thuốc lá cho thấy: Chế độ ăn với chỉ số GI cao có thể là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh. Còn với những người thường xuyên hút thuốc, hẳn thói quen xấu này sẽ đóng vai trò chủ chốt dẫn đến ung thư phổi chứ không phải chế độ dinh dưỡng. Một nghiên cứu năm 2011 đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ và các sản phẩm từ sữa với tỷ lệ mắc ung thư phổi cao, trong khi rau củ quả đem lại tỷ lệ mắc bệnh thấp. Dù vẫn chưa khẳng định lý do cho mối liên hệ trên nhưng các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các loại thực phẩm có chỉ số GI cao hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi khi gây đột biến lượng đường trong máu và kích thích tiết insulin. Theo đó, insulin có thể “đánh động” và khuyến khích sự tăng trưởng của các yếu tố trong cơ thể - bao gồm cả các tế bào ung thư. Trải qua hàng thập kỷ, dù không nhiều nhưng vẫn có vài bằng chứng khoa học củng cố cho luận điểm: Chế độ ăn ít bột đường sẽ giúp kiểm soát sự tiến triển của nhiều loại ung thư. Bà Marian L. Neuhouser, thành viên Chương trình Phòng chống ung thư tại Trung tâm Nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson, cho rằng những thông tin này đã gián tiếp khẳng định thực phẩm có mức GI cao rất có thể là thủ phạm lớn nhất gây ung thư vú và nhiều loại ung thư phổ biến khác. Tiêu thụ quá nhiều chất bột đường hàng ngày sẽ khiến bạn tăng cân nhanh chóng, hơn nữa còn mở ra hàng loạt nguy cơ ung thư phức tạp. Bà Neuhouser cũng tiết lộ, năm 2011 từng có một nghiên cứu của 7 tác giả người Mỹ được tiến hành ở những người khỏe mạnh không hút thuốc lá và chưa từng bị chẩn đoán mắc ung thư. Họ được hỏi về chế độ ăn uống và được theo dõi quá trình tiến triển của mầm bệnh ung thư phổi trong một thời gian dài. Đã có nhiều yếu tố gây bệnh ngoài hút thuốc lá và chế độ ăn giàu bột đường được thu thập, chủ yếu là do tiếp xúc lâu ngày với than củi đốt cháy, hít phải bụi amiăng trong xây dựng hoặc khí radon có tính phân rã phóng xạ gây ung thư phổi. Hiện tại, tiến sĩ Wu cùng các đồng nghiệp đang phát triển một công cụ trực tuyến có khả năng tính toán nguy cơ ung thư phổi của một người thông qua các hoạt động thường ngày. Bà Wu cũng cho biết, đội ngũ nghiên cứu của bà đang đặt mục tiêu gần nhất là đưa ra những lời khuyến nghị thiết thực và chính xác về ung thư phổi cho người dân, nhằm giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh. Tại sao một chế độ dinh dưỡng giàu carbohydrate lại liên quan đến ung thư phổi? Theo đồng tác giả nghiên cứu Stephanie Melkonian, một chế độ ăn giàu đường huyết có liên quan đến kháng insulin - từ đó kích thích hoạt động của một số tế bào chất có vai trò nhất định trong bệnh ung thư. Tiến sĩ Jain đồng ý rằng "nghiên cứu góp phần khẳng định bằng chứng rằng, thói quen dinh dưỡng nghèo nàn, dễ gây béo phì đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ung thư".